Lượt xem: 409

Để nông sản không phải chờ giải cứu

Sau 06 năm kể từ đợt giải cứu hành tím đầu tiên vào năm 2015 thì mới đây, Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng đã có Công văn chỉ đạo về việc giải cứu gần 50.000 tấn hành tím đang tồn đọng trên địa bàn tỉnh. Việc giải cứu hành tím đã không còn là câu chuyện mới mẻ đối với tỉnh Sóc Trăng. Khẳng định như thế để thấy rằng; nếu không có giải pháp căn cơ nào khác thì về lâu dài, không riêng hành tím mà rất nhiều mặt hàng nông sản sẽ vẫn còn phải loay hoay trong vòng tròn  “cung - cầu” và tiếp tục chờ được giải cứu.

    Đợt giải cứu hành tím vào năm 2015 được xem là “cú sốc lớn” đối với ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng; bởi chuyện “thừa hàng dội chợ” đã không còn là chuyện quá xa lạ trong quá trình sản xuất nông nghiệp, nhưng “thừa” đến mức cần phải “giải cứu” lại là câu chuyện đau lòng đối với một trong những loại cây trồng chủ lực của tỉnh. Sau sự kiện này, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đã xây dựng nhiều chương trình, đề án nhằm cải tiến quy trình, nâng cao chất lượng củ hành tím như: Mô hình canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn sinh học; thế nhưng sau nhiều năm, diện tích hành tím thực hành quy trình hữu cơ chỉ chiếm 10%  tổng diện tích gieo trồng. Đồng chí Thạch Thu Hiền - Trưởng Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật thị xã Vĩnh Châu cho biết: “Toàn thị xã Vĩnh Châu có tổng diện tích gieo trồng hành tím là 5.300 hecta, nhưng diện tích trồng hành theo hướng hữu cơ mới chỉ đạt được 1.000 hecta. Cái khó ở đây là một bộ phận người dân vẫn chưa nhận thức rõ sự cần thiết và lợi ích của việc phát triển nông nghiệp sạch. Cần thiết phải triển khai thêm rất nhiều mô hình, đề án để tạo điều kiện cho bà con tiếp cận được với mô hình, từ đó tạo lòng tin để họ chủ động chuyển đổi”...


Lượng hành tím tồn đọng tại nhiều doanh nghiệp thu mua rất lớn. Ảnh Ngọc Thơ 

 

    Chờ giá là sự lựa chọn của rất nhiều bà con trồng hành tím tại thị xã Vĩnh Châu trong thời điểm này. Cùng chung cảnh ngộ, nhưng trong khi hộ trồng hành tím theo hướng hữu cơ có phần thoải mái hơn khi phương thức canh tác an toàn sinh học giúp họ có thể kéo dài thời gian bảo quản củ hành lên tối đa từ 06 đến 07 tháng thì hộ trồng hành theo tập quán truyền thống lại “đứng ngồi không yên”, bởi số hành còn tồn trên rẫy sẽ ít nhiều bị thiệt hại từ những đợt mưa đầu mùa và số hành đang chờ tiêu thụ trong kho dự trữ cũng sẽ bắt đầu xảy ra tình trạng hư thối sau nhiều ngày thu hoạch. Ông Thạch Tiền - hộ trồng hành ở ấp Hòa Thành, xã Lạc Hòa tâm sự: “Giá hành hữu cơ mặc dù được đánh đồng bằng giá với hành trồng theo tập quán cũ, nhưng cái khác biệt là hành hữu cơ để được lâu hơn; màu sắc củ hành vẫn đẹp, vị vẫn cay nồng; vì vậy nên cũng chưa vội vàng bán mà tiếp tục chờ giá”.

    Trồng hành tím theo quy trình sản xuất sạch, an toàn còn phải điêu đứng về chuyện tiêu thụ nên tình trạng giải cứu hành nhiều khả năng sẽ còn được lặp đi lặp lại nhiều lần nếu canh tác vẫn còn manh mún, nhỏ lẻ; nhất là giữa người sản xuất và công ty, doanh nghiệp vẫn chưa tìm được tiếng nói chung về lợi ích kinh tế. Nhân rộng các mô hình canh tác cải tiến, thúc đẩy việc thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; tất cả là những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh vẫn thực hiện thường xuyên để nâng cao giá trị ngành hàng. Tuy nhiên, việc tiêu thụ hành tím cũng như rất nhiều mặt hàng nông sản khác tại tỉnh vẫn cần lắm sự phối hợp chặt chẽ hơn của cả 03 nhà, gồm: Cơ quan quản lý nhà nước, nhà sản xuất và công ty, doanh nghiệp xuất khẩu; quan trọng là phải quy hoạch diện tích gieo trồng phù hợp với nhu cầu tiêu thụ. Đồng chí Nguyễn Thành Phước -  Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Sóc Trăng trăn trở: “Đã đến lúc chúng ta phải xác định một cách rõ ràng hơn là cây trồng nào phù hợp với địa phương nào, chứ không thể trồng theo hướng đại trà để rồi cứ phải rơi vào tình thế bị động về đầu ra. Muốn làm được điều này thì rất cần có sự đồng lòng, sự quyết tâm của bà con nông dân, chính quyền địa phương và ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn. Quyết tâm ở đây là sự hình thành các mô hình kinh tế tập thể để gắn kết bà con nông dân lại với nhau, tạo thành một đầu mối để đứng ra làm trung gian thỏa thuận trong việc tiêu thụ nông sản với các công ty, doanh nghiệp; có như thế chúng ta sẽ vừa có thể tạo ra một sản lượng hàng hóa lớn vừa không phải lo ngại nhiều về vấn đề đầu ra. Điều quan trọng nhất là phải chuyển từ xu hướng canh tác theo tập quán cũ sang các mô hình sản xuất theo hướng hữu cơ để nâng cao giá trị sản phẩm, như vậy việc xúc tiến thương mại cho sản phẩm sẽ thuận lợi hơn rất nhiều; bởi điều mà thị trường cần hiện giờ không phải là một sản phẩm có giá rẻ mà là một sản phẩm có thể đắt tiền hơn những sản phẩm cùng chủng loại, nhưng phải đảm bảo sạch và an toàn”.

    Nhìn thẳng vào những khó khăn, bất cập đang tồn tại để suy nghĩ về những giải pháp hữu hiệu hơn nhằm tháo gỡ “nút thắt” cho sản phẩm nông nghiệp tỉnh nhà là điều rất cần thiết. Rõ ràng là không riêng tại Sóc Trăng, nhiều loại nông sản tại các tỉnh thành trong khu vực vẫn luôn chờ được “giải cứu”, nhưng là một xu hướng “giải cứu” mang tính lâu dài và hiệu quả hơn. Đặc biệt, chính nông dân phải là người tự cứu lấy mình qua việc chuyển đổi tư duy nông nghiệp thuần túy sang tư duy về kinh tế trong nông nghiệp để vừa cải thiện chất lượng sản phẩm, vừa sản xuất đúng mặt hàng mà thị trường cần.

Ngọc Thơ



Phim tư liệu
  • Phát biểu của đồng chí Lâm Tấn Hòa
  • Ngày hội văn hóa thể thao du lịch đông bào Khmer Nam bộ và Lễ hội Óoc-Om-Bóc Đua ghe Ngo 2022
  • Cuộc thi viết chính luận về bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, thù địch lần thứ Hai - năm 2022
1 2 3 4 5  ... 


No title... No title... No title...
Thống kê truy cập
  • Đang online: 65
  • Hôm nay: 7998
  • Trong tuần: 78,705
  • Tất cả: 11,802,025